Thành tựu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Trần Văn Thời

http://tranvanthoi.camau.gov.vn 30-10-2014

Huyện Trần Văn Thời nằm về phía Tây tỉnh Cà Mau, có diện tích tự nhiên 70.230 ha, dân số 200.000 người, chủ yếu sống bằng nghề nông-ngư nghiệp. Địa giới hành chính được chia thành 11 xã và 2 thị trấn.

Trên địa bàn huyện có phân trường Trần Văn Thời thuộc Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ và Vườn Quốc gia U MInh hạ – là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của rừng tràm U Minh hạ rất có gía trị bảo tồn tài nguyên rừng, nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.
Bờ biển huyện Trần Văn Thời dài 36 km có nhiều cửa sông như cửa Đá Bạc, Ba Tỉnh, Mỹ Bình, đặc biệt Sông Đốc là cửa ra vào của nhiều tàu đánh cá trong và ngoài tỉnh, tạo nên ở đây 1 thị trấn biển sầm uất bậc nhất tỉnh Cà Mau. Thềm lục địa vùng biển huyện Trần Văn thời có trữ lượng tiềm năng khí đốt rất lớn, trong đó đã phát hiện 30 tỷ m3 khí có khả năng khai thác thương phẩm. Ngoài khơi có đảo Hòn Chuối, có hòn Đá Bạc gần bờ; là địa bàn được lựa chọn làm nơi tiếp bờ của tuyến đường ống dẫn khí từ mỏ PM3 - Cà Mau. Chính vì vậy huyện Trần Văn Thời là một trong những huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh Cà Mau, có điều kiện phát triển thủy hải sản, dịch vụ khai thác dầu khí, du lịch biển đảo, vận tải sông biển.

Địa bàn huyện Trần Văn Thời nằm ở cả 2 vùng quy hoạch chuyển đổi sản xuất của tỉnh Cà Mau (hệ sinh thái mặn và hệ sinh thái ngọt-lợ) vì vậy huyện có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản một cách đa dạng, bền vững và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Trần Văn Thời đạt bình quân 8%/năm. Đến cuối năm 2002: tăng trưởng GDP đạt gần 12%; hình thành cơ cấu kinh tế: Nông-lâm-ngư nghiệp 68%, Công nghiệp-xây dựng 13%, Thương mại-dịch vụ 19%. Giá trị sản xuất nông-ngư-lâm nghiệp của huyện tăng khá nhanh nhờ sự đóng góp của cả sản xuất nông nghiệp và thủy hải sản, do năng lực khai thác hải sản được đầu tư khá tập trung. Huyện có diện tích trồng lúa trên 50.000 ha, sản lượng lúa hàng năm khoảng 180.000 tấn, bằng 40% sản lượng lúa toàn tỉnh, trên 16.000 ha mặt nước nuôi tôm, nuôi tôm kết hợp trồng lúa, trên 8.800 ha diện tích đất có rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển, đã tạo ra thế phát triển khá cân bằng và bền vững.

Với lợi thế về biển nên đoàn tàu đánh bắt hải sản của huyện có 1.545 chiếc, tổng công suất gần 110.000 CV, sản lượng khai thác hải sản năm 2002 đạt 72.600 tấn, bằng 56,7% tổng sản lượng khai thác sông biển của tỉnh Cà Mau. Những năm qua ngành thủy sản đã góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện, tạo điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ, giải quyết nhiều việc làm.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ: số trẻ em đến tuổi đi học đến trường đạt 93%, học sinh bậc Trung học tăng bình quân gần 20%/năm. Các trạm y tế xã đều có bác sỹ với tỷ lệ 2 bác sỹ/1 vạn dân; giảm tỷ lệ tăng dân số 0,06%/năm. Các trường học, bệnh viện, trạm y tế, các nhà văn hóa, khu vui chơi, thể dục thể thao đang được quan tâm xây dựng; đời sống dân cư không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%.

Từ những tiềm năng to lớn đó, Đảng bộ và chính quyền huyện Trần Văn Thời đã quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2010 theo mục tiêu: Khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng của huyện để phát triển nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá, phát triển ngư-nông-lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ; tập trung phát triển kinh tế biển và dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ cho đoàn tàu đánh bắt xa bờ; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các mục tiêu xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Quan tâm phát triển kinh tế xã hội nông thôn; quy hoạch phát triển các điểm đô thị, các cụm công nghiệp dịch vụ để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, nhất là thị trấn Sông Đốc để trở thành trung tâm kinh tế biển của tỉnh. Tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền vùng biển và ven biển.

Về kinh tế: phấn đấu gía trị sản xuất (GO) từ nay đến 2010 tăng bình quân 11,5%/năm. Trong đó gía trị sản lượng Ngư nông lâm nghiệp tăng 7,75%; công nghiệp-xây dựng tăng 16,6%; các ngành dịch vụ tăng 16,5%. Hình thành cơ cấu kinh tế đến năm 2010 theo thứ tự trên là 47,4%; 21,1%; 31,5%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đến năm 2010 khoảng 700 USD. Phát triển kinh tế hướng ra biển, củng cố và phát triển mạnh đoàn tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ.

Diện tích canh tác lúa ổn định khoảng 37.500 ha, sản lượng lúa hàng năm đạt 200.000 tấn trở lên; đàn heo từ 100 đến 200 ngàn con, gia cầm từ 1 đến 1,2 triệu con. Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt 12.500 ha bao gồm nuôi kết hợp trồng lúa, trồng tràm, nuôi trong ao đìa; nuôi tôm 13.000 ha trong đó nuôi luân canh trồng 1 vụ lúa 9.000 ha. Sản lượng thủy hải sản năm 2005: 81.000 tấn có 12.000 tấn tôm, năm 2010: 91.000 tấn có 16.000 tấn tôm. Riêng sản lượng khai thác biển hàng năm từ 70 - 75 ngàn tấn. Ổn định diện tích đất lâm nghiệp có rừng thường xuyên 8.856 ha.

Phát triển các ngành công nghiệp phục vụ kinh tế biển và nông nghiệp nông thôn như chế biến thủy sản, cơ khí sửa chữa tàu thuyền, sản xuất nước đá, xay xát lương thực, chế biến thức ăn gia súc. Quy hoạch và thu hút các dự án đầu tư công nghiệp vào cụm công nghiệp Sông Đốc và một số điểm sản xuất công nghiệp khác. Năm 2010: chế biến thủy sản 55.000 tấn, trong đó chế biến xuất khẩu đạt 15.000 tấn; điện thương phẩm 60 triệu Kwh; nước đá cây 170.000 tấn; sửa chữa tàu thuyền 400 chiếc/năm; xay xát lương thực từ 100 đến 130.000 tấn/năm.

Phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hoá xã hội tăng bình quân 15 - 16%. Khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái và du lịch biển đảo bao gồm tuyến du lịch Vồ Dơi - Đá Bạc, du lịch Đầm Thị Tường, cụm đảo Hòn Chuối. Phát triển dịch vụ vận tải hàng hoá và hành khách, phấn đấu khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hoá và hành khách tăng bình quân 14-15%. Phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ kỹ thuật. Bình quân năm 2010 có 10 đến 12 máy điện thoại/100 người dân.

Lĩnh vực xã hội: Đến năm 2005 hoàn thành chương tình kiên cố hóa trường, lớp học và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Đến năm 2007 hoàn thành chuẩn quốc gia về y tế xã. Đến năm 2010: giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1,3 đến 1,4%; tỷ lệ sử dụng nước sạch sinh hoạt nông thôn 85%; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt 90%; tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo nghề 30-35%; có 16 giường bệnh, 4 bác sỹ và dược sỹ đại học/1 vạn dân; thực hiện tái định cư và bố trí đất sản xuất hoặc tạo ngành nghề mới cho những hộ không đất, thiếu đất sản xuất để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và các vấn đề xã hội nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; thực hiện tốt "Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", phấn đấu các ấp, khóm đều đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa.

Tăng cường nhiệm vụ quốc phòng an ninh, thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển và bảo vệ an toàn tuyến đường ống dẫn khí về nhà máy Khí-điện-đạm Cà Mau.

Thực hiện các nhiệm vụ trên huyện Trần Văn Thời tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh việc xây dựng các công trình hạ tầng như: hạ tầng nghề cá, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nâng cấp các tuyến đường giao thông quan trọng đến trung tâm huyện, đến Sông Đốc và các cụm kinh tế kỹ thuật, từng bước bêtông hoá, nhựa hoá đường giao thông nông thôn; xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, công trình văn hóa-thể thao, chợ thương mại, dịch vụ, khu du lịch theo hướng chuẩn hóa, văn minh, hiện đại.

Ngoài thị trấn huyện lỵ Trần Văn Thời, phát triển thị trấn Sông Đốc là đô thị kinh tế ven biển tương xứng nhiệm vụ đô thị trung tâm kinh tế biển của tỉnh, là nơi có điều kiện phát triển nhanh kinh tế dịch vụ và công nghiệp, từng bước xây dựng thị trấn Sông Đốc thành đô thị loại IV; dự kiến quy mô dân số năm 2010 khoảng 64.000 người, năm 2020 khoảng 84.000 người.

Hy vọng trong tương lai không xa, huyện Trần Văn Thời mà điểm sáng là thị trấn Sông Đốc trở thành huyện phát triển mạnh mẽ, toàn diện ở phía bờ biển Tây tỉnh Cà Mau.