Với đôi bàn tay rất khéo léo, bà tôi, mẹ tôi, chị tôi và cô em gái nhỏ của tôi có thể dệt thành những đôi chiếu bông tạo nên những ấn tượng khó phai đối với du khách khi một lần đến với những làng nghề dệt chiếu ở Cà Mau. Không hẳn khi bài vọng cổ mùi mẫn “ Tình anh bán chiếu” do nghệ sỹ lừng danh Út Trà Ôn ca nói về mối tình của anh bán chiếu ở Cà Mau với cô gái mỹ miều trên vàm sông Ngã Bảy đất Tây Đô thì chiếu Cà Mau mới được biết đến, mà đã khá lâu rồi nghề dệt chiếu ở Tân Thành, Tân Duyệt, Tân Lộc đã nổi danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Song không thể phủ nhận chính thơ ca đã chắp cánh cho nghề dệt chiếu ở Cà Mau bay cao, bay xa hơn.
Để có được đôi chiếu, người dân ở làng nghề phải biết chọn đất trồng lác, rãi bố vì đó là hai chất liệu chính để cho những đôi chiếu ra đời. Với đôi bàn tay tài hoa và công sức của mình, những người ở làng nghề dệt chiếu đã làm đẹp cho đời, điểm tô hạnh phúc cho bao cặp tân hôn với đôi chiếu “lẫy” mới tinh khôi còn thấm đậm mồ hôi của người làm ra đôi chiếu với những lời chúc tốt đẹp “Trăm năm hạnh phúc”. Muốn có được một đôi chiếu “lẫy” chữ hoặc bông hay hình hoa văn, ngoài chuyện phải chọn những cọng lác đều nhau, bóng mượt dài gần hai thước và những cọng trân được se mịn từ vỏ cây bố, người dệt chiếu còn phải tốn nhiều công hơn trong khâu pha phẩm, nhuộm màu để khi “lẫy” chiếu có độ tương phản rực rỡ và không phai màu. Như một hoạ sỹ, người dệt chiếu phải kỳ công chọn từng cọng lác có sắc màu thích hợp để “lẫy” sao cho khi hoàn chỉnh trên mặt chiếc chiếu hiện lên một bức tranh, những biến tấu hoa văn như ý muốn. Đôi khi đó chỉ là đôi chiếu nhiều bông rực rỡ dùng để trãi trên bộ ván gỏ bày biện thức ăn trong các ngày giỗ, tết theo tục lệ ông bà truyền lại, hoặc là những đôi chiếu mang dòng chữ “ trăm năm hạnh phúc” “song hỷ” làm quà tặng cho thân nhân khi có tiệc cưới, gả. Ở những làng nghề này ngoài việc dạy dổ con gái nói riêng giữ gìn nét đẹp truyền thống, còn được mẹ tỉ mẩn truyền cho cái nghề dệt chiếu lẫy làm kế mưu sinh khi đến tuổi lập gia đình.
Mỗi khi có khách thập phương về Cà Mau tham quan, để giới thiệu với bạn bè xa gần đặc trưng một vùng đất có nghề truyền thống rất đổi tự hào, trong các buổi liên hoan đờn ca tài tử, du khách sẽ được nghe bản vọng cổ nói lên nổi lòng của một chàng trai đa cảm được khắc hoạ từ bản tình ca :” Tình anh bán chiếu” với lời rao mở đầu bằng câu:” Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm! Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu, chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm! ”.
Thương lắm thay, những đôi chiếu Cà Mau ngược xuôi sông nước vào tận chốn phòng riêng của mỗi gia đình để tô điểm cho đời mang theo nét tâm sự của người làm ra đôi chiếu được gởi gấm vào từng hoa văn hiện lên trên từng đôi chiếu.