Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, được thành lập từ năm 1979 (sau khi chia tách huyện), hiện có 13 khóm, diện tích tự nhiên 3.349 ha, dân số trên 51 nghìn người (kể cả dân số quy đổi).
Đô thị Sông Đốc với lịch sử phát triển lâu đời, thiên nhiên giàu đẹp, tiềm năng dồi dào, nhất là tiềm năng phát triển kinh tế biển, đang trong quá trình đổi mới, đi lên, mở cửa, hội nhập, phấn đấu xây dựng đô thị Sông Đốc thành đô thị phát triển bền vững, mang nét đặc trưng của vùng sông nước, nơi thuận lợi phát triển hậu cần nghề cá. Nơi đây, vốn là một phố biển sầm uất, được mệnh danh là một trong những bến cảng tập trung tàu thuyền đông nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất chứa đựng nhiều sắc thái văn hóa vùng biển độc đáo.
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ thứ 18, Sông Ông Đốc có tên gọi là Khoa Giang; sau sự kiện năm Quý Mão (1783), khi bị hùng binh Tây Sơn Nguyễn Huệ truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng gia tộc chạy về vùng đất phương Nam, đến cửa Khoa Giang, nhờ có tướng Đốc Huỳnh liều mình cứu cho Nguyễn Ánh thoát chết; sau đó Khoa Giang lại mang tên Sông Ông Đốc cho đến bây giờ (sau đọc trại thành Sông Đốc) và đó cũng là tên gọi của phố biển này ngày nay.
Thị trấn sông Đốc có một vị thế khá hữu tình, một bên là con Sông Ông Đốc và một bên là biển Tây. Phố biển này, nằm gần các điểm du lịch khá nổi tiếng như hòn Đá Bạc, đảo Hòn Chuối, cửa biển Cái Đôi Vàm...nên thu hút rất đông du khách. Đặc biệt, với hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử và các lễ hội dân gian, chùa chiền, làng nghề đan lưới, đóng ghe xuồng, nghề làm tôm khô,...luôn có sức hấp dẫn kì lạ với du khách phương xa.
Hơn thế, Sông Đốc còn là một thắng cảnh bên vịnh biển, ngư dân có truyền thống lâu đời bám biển, đưa ghe tàu ra khơi chinh phục đại dương, không sờn bão táp. Nơi có lễ hội nghinh ông, với nghi thức trang trọng, kèn nhạc trổi vang, hàng trăm ghe tàu đánh cá kết dàn thủy lục, đón Ông vào ngày rằm tháng 02 âl hàng năm…thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng của ngư dân miền biển.
Ngày 10 tháng 02 năm 1955, sông Ông Đốc trở thành nơi ghi dấu lịch sử cách mạng trọng đại, là chuyến tàu cuối cùng đưa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bến sông Ông Đốc luôn ẩn hiện chi tiết, với lời dặn dò thắm thiết:“tạm biệt miền Nam để giải phóng miền Nam”, sẵn sàng chiến thắng kẻ thù mới. Sự kiện ấy đã đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân dân huyện nhà nói chung, thị trấn Sông Đốc nói riêng, góp phần tô thắm thêm truyền thống liệt oanh, hào hùng của quê hương, đất nước.
Đô thị Sông Đốc là một trong ba cực phát triển kinh tế đô thị động lực của tỉnh Cà Mau, là đô thị nằm trên trục hành lang kinh tế đô thị ven biển Tây, với vai trò được khẳng định là trung tâm đa năng, tổng hợp phía Tây của vùng, là vị trí cửa ngõ hành lang giao thông thủy quốc gia, thông với biển Tây.
Trong những thập niên gần đây, cùng với sự phát triển chung của tỉnh Cà Mau, đô thị Sông Đốc đã có những bước phát triển khá về kinh tế - xã hội. Đô thị nằm sát ngư trường lớn là khu vực biển Tây, được xem là 1 trong những đô thị bến cảng, có quy mô đánh bắt hải sản lớn nhất nước. Hàng ngày có hàng ngàn tàu thuyền đánh bắt xa và gần bờ ra vào, trong đó có nhiều tàu thuyền của ngư dân khu vực miền Trung, các tỉnh khác của Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây đã hình thành nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá như nhà máy chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, hàng trăm đại lý thu mua nguyên liệu thủy hải sản, nhà máy sản xuất nước đá, cơ sở kinh doanh xăng dầu. Hàng chục ngành nghề truyền thống phát triển như đan lưới, vá lưới, sửa chữa tàu, nghề làm cá khô, tôm khô, mực khô, ...
Ngoài ra, thị trấn Sông Đốc còn nằm trên tuyến du lịch sinh thái ven biển với rừng ngập mặn, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Đầm Thị Tường, thắng cảnh tự nhiên nối liền với Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch biển, đảo… là vùng có đặc thù riêng biệt, có các cảnh quan thiên nhiên đẹp và đa dạng, mang đặc thù của vùng sinh thái rừng ngập mặn (đước, mắm, vẹt,..). Có di tích văn hóa, lịch sử như Lăng Ông… cùng với những cảnh quan thiên nhiên sông nước, tạo nên lợi thế cho phát triển du lịch. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội thị trấn đã phát triển khá nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ khá phát triển, hiện có trên 1.550 cơ sở kinh doanh dịch vụ. Các ngành nghề kinh doanh thuộc thế mạnh của thị trấn như cung ứng hàng hoá - dịch vụ, hậu cần nghề cá phát triển mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Sản lượng khai thác thủy hải sản năm 2012 hơn 115.000tấn, so với cùng kì tăng gần 16.000tấn. Trong đó: Tôm khai thác được hơn 4.200 tấn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của thị trấn là 1.840 ha. Tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) năm 2012 đạt 550 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 19 triệu đồng. Với kết quả trên, thị trấn Sông Đốc là một trong những địa phương có bình quân thu nhập đầu người khá cao so với huyện. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 11,85%. Công tác thu, chi ngân sách được quan tâm chỉ đạo tích cực, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả thu năm sau đạt cao hơn năm trước. Năm 2012, tổng thu ngân sách trên địa bàn thị trấn (kể cả huyện thu, tỉnh thu) đạt trên 70 tỷ đồng.
Cơ sở khám chữa bệnh của thị trấn Sông Đốc hiện nay cơ bản đảm bảo được nhu cầu khám, chữa bệnh và điều trị cho nhân dân tại đây. Trong nhiều năm qua, sự nghiệp giáo dục – đào tạo được quan tâm phát triển và đạt được kết quả toàn diện cả về quy mô và chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trường, lớp kiên cố hóa ngày càng tăng. Số lượng kiến cố và bán kiên cố đạt 74%. Thị trấn Sông Đốc hiện có 12 trường, trong đó có 01 trường Trung học phổ thông Sông Đốc, còn lại là THCS, Tiểu học và Mầm non. Bên cạnh đó, còn có công trình văn hóa lịch sử lễ hội như: Lăng Ông là công trình di tích lịch sử, tín ngưỡng đặc biệt của người dân Sông Đốc nói riêng, cũng như nhân dân Cà Mau và cộng đồng các ngư phủ nói chung. Khu vực Lăng Ông cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa lễ hội khác của người dân Sông Đốc. Lễ hội Nghinh Ông ngày càng phong phú về nội dung và hình thức, trở thành một hiện tượng văn hóa của tỉnh Cà Mau.
Với lợi thế, tiềm năng và thực trạng phát triển, Sông Đốc đã trở thành trung tâm kinh tế biển, đồng thời là cửa ngõ thông ra biển Tây, là đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế trong tương lai. Với đoàn tàu khai thác thủy sản khoảng 2.000 chiếc, trên 20.000 ngư phủ, tại đây đã hình thành nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá như nhà máy chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, hàng trăm đại lý thu mua tôm nguyên liệu, cơ sở kinh doanh xăng dầu…
Hệ thống bến bãi đường thủy đô thị Sông Đốc đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng khá tốt cho các nhu cầu vận tải, neo đậu tàu thuyền. Hiện có một cảng cá bên bờ Bắc sông Ông Đốc, có chiều dài 300m phục vụ cho các dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn với cảng cá về phía thượng lưu đã đầu tư xây dựng khu vực neo đậu tránh bão có chiều dài 2.630m. Hệ thống lưới điện đã được phủ kín đến các khu dân cư, số hộ sử dụng điện năm 2012 đạt 99%.
Bưu chính, viễn thông trong những năm gần đây phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân trên địa bàn thị trấn. Năm 2012, trên địa bàn thị trấn bình quân có khoảng 60 máy điện thoại/100dân. Thị trấn hiện có 1 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là Lăng Ông Nam Hải. Ngoài ra, Khu di tích chuyến tàu tập kết ra Bắc chuẩn bị đầu tư xây dựng, đây cũng là một công trình di tích lịch sử tiêu biểu của thị trấn Sông Đốc cũng như tỉnh Cà Mau.
Sau hơn 33 năm hình thành và phát triển, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song thị trấn Sông Đốc luôn khẳng định là trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tổng hợp của tiểu vùng ven biển phía Tây, là một trong ba đô thị động lực của tỉnh Cà Mau. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương và sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ban, ngành cấp tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Văn Thời nói chung, thị trấn Sông Đốc nói riêng tập trung mọi nguồn lực, tâm huyết, đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng thị trấn Sông Đốc đạt được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay. Chính những thành tựu to lớn đó, thị trấn Sông Đốc vinh dự được Bộ Trưởng Bộ xây dựng quyết định công nhận là đô thị loại IV. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc trong đời sống xã hội, làm nức lòng cán bộ và nhân dân huyện nhà nói chung, thị trấn Sông Đốc nói riêng, góp phần xây dựng thị trấn Sông Đốc ngày càng xứng tầm với vị thế là đô thị cửa ngõ biển Tây, giữ vị trí tiên phong và đặc biệt quan trọng trong chiến lược quốc phòng – an ninh và hướng ra biển, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.