Bún chay lá chanh

http://monngonmoingay.com 19-11-2016

Lại thêm 1 món chay hấp dẫn và dễ làm! Nước dùng trong trẻo màu nâu nhạt, thơm mùi lá chanh kích thích vị giác, sự kết hợp của bún tươi thanh dịu cùng chả lụa, tàu hủ ky giòn tan, cộng với ngò rí và chút vị nhẫn của lá chanh cắt nhuyễn sẽ mang lại cho bạn một món ăn nhớ mãi không quên. Một bữa ăn tuyệt vời và thanh đạm cho cả nhà mà không tốn quá nhiều công sức!

NGUYÊN LIỆU

  • Bún cọng to : 600g
  • Đậu hũ chiên : 1 miếng
  • Chả lụa chay : 100g
  • Nấm rơm : 150g
  • Cà chua chín : 2 trái
  • Thơm : 1/4 trái
  • Tương hột : 1/2 chén
  • Sả băm : 2M
  • Nước dùng chay nấu từ: củ sắn, cải thảo, su su bắp mỹ, củ cải trắng 1.5 lít
  • Sả cây, boa-rô, ớt băm, ngò rí, lá chanh Bắc
  • Dầu điều
  • Ăn kèm: rau muống bào, bắp chuối bào, giá, húng quế, húng cay…
  • Tàu hũ ky chiên giòn, chanh, muối ớt.
  • Muối, đường
  • Hạt nêm từ Nấm Hương và Hạt Sen Hạt nêm Aji-ngon® từ Nấm Hương và Hạt Sen

1. SƠ CHẾ:

–          Tương hột chắt bớt phần nước, giã nhuyễn.

–          Cà chua băm nhỏ. Thơm cắt rẽ quạt.

–          Nấm rơm cắt đôi hoặc khứa chữ thập đầu nấm. Chả lụa chay cắt miếng vừa ăn.

–          Sả cây đập dập, cắt khúc. 1/2 lượng lá chanh cắt nhuyễn. Ngò rí, lá boa-rô cắt nhỏ.

2. THỰC HIỆN:

–          Phi thơm boa-rô băm và sả cây, cho cà chua, thơm, nấm rơm vào xào, nêm 1M hạt nêm Aji-ngon® Nấm hương và Hạt sen, cho vào nước dùng.

–          Tiếp tục phi 2M dầu điều với sả băm, ớt, tương hột cho thơm và tạo màu rồi cho vào nồi nước dùng. Nêm vào nước dùng 1.5M hạt nêm Aji-ngon® Nấm hương và Hạt sen, 2M đường, 1.5M bột ngọt AJI-NO-MOTO®, 2M muối, phần lá chanh còn lại vò sơ rồi cho vào cùng với chả lụa chay và đậu hũ chiên. Nếm vị vừa ăn.

3. CÁCH DÙNG:

–          Khi ăn, trụng bún qua nước sôi, vớt ra cho vào tô, múc nước dùng chan lên, thêm chả lụa, tàu hũ ky chiên giòn bóp nhỏ, ngò rí, lá chanh cắt nhuyễn. Dọn kèm với muối ớt, chanh, rau.

Mách nhỏ

Chọn cà chua chín đỏ để khi xào có màu tự nhiên.

Có thể thay lá chanh Bắc bằng lá chúc (chanh Thái, Kaffir) hiện đang được trồng nhiều ở 1 số tỉnh miền Tây nam bộ.