Cách chuẩn bị cho mô hình nuôi tôm sú chính vụ

khoahocchonhanong 24-04-2012

Tại các vùng nuôi tôm trong cả nước, bà con mình đang ráo riết chuẩn bị vụ nuôi, xuống giống đồng loạt. Khác với những vụ nuôi tôm trước đây, thời tiết, khí hậu năm nay dự báo sẽ diễn biến rất thất thường, phức tạp hơn, ảnh hưởng sâu sắc hơn.

Do sự phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu dân cư lấn dần vùng nuôi tôm sú nguyên liệu, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm trầm trọng, khả năng cải tạo, xử lý sẽ rất tốn kém, và hiệu quả thường không cao. Sự phát triển rầm rộ các vùng nuôi tôm không theo qui hoạch, không đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông thủy lợi…là những môi nguy ảnh hưởng sống còn đến người nuôi tôm, đến hiệu quả kinh tế, tính bền vững, ổn định mô hình.

 

Để chủ động xử lý các sự cố, tình huống xấu sảy ra tại ao nuôi của mình, ngay từ khâu chuẩn bị, bà con cần thiết thực hiện một số công việc sau: Ao lắng và vai trò của ao lắng trong hệ thống ao nuôi tôm còn bị xem nhẹ. Theo qui trình nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, nếu không có ao lắng, rủi ro sẽ rất cao, và hiệu quả kinh tế khi thu hoạch rất thấp. Ngoài ra, tiến hành cải tạo thật kỹ ao nuôi dự kiến thả giống, trong đó công tác sên vét bùn đáy rất quan trọng. Bà con mình thường chủ quan, và thực hiện công việc này một cách rất sơ sài. Bùn đáy ao là nơi chứa đựng tất cả các sản phẩm dư thừa, độc hại và nguy hiểm cho tôm nuôi. Những chất tồn dư từ vụ nuôi trước, khí độc hại như Amoniac (NH3), Sulfuahydro (H2S), Nitric (NO2)…luôn thường trực ở đáy ao với hàm lượng rất cao trong ao nuôi tôm, cao hơn ở những tháng nuôi sau cùng.

 

Loại bỏ bùn đáy, đồng nghĩa với việc loại bớt hàm lượng khí độc trong ao, do vậy càng loại bỏ bùn đáy nhiều càng tốt. Tốt nhất chúng ta nên chuyển bùn đáy ra xa khu vực ao nuôi, tránh mưa làm rửa trôi trở lại ao nuôi. Thời tiết, khí hậu thất thường, nên dù nuôi tôm chính vụ cũng không tránh khỏi chịu ảnh hưởng do mưa. Nguy hiểm nhất là mưa rửa trôi, mang phèn tiềm tàng từ trên bờ xuống ao nuôi. Do vậy, nếu có điều kiện, bà con nên lót bạt quanh ao, đặc biệt là bờ ao, tránh phèn xuống ao gây hại cho tôm nuôi. Công việc bón vôi sau khi sên vét ao rất cần thiết, phải chú ý đến loại vôi, liều lượng, và thời gian xử lý. Thông thường bà con có thể dùng vôi sống (CaO) hoặc vôi tôi (CaOH)2, cũng có thể dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) trong giai đoạn này. Liều lượng thường dùng từ 7-12kg/100m2 ao, nên chọn thời điểm nắng to để bón vôi, nhằm tăng khả năng hoạt động của vôi, tăng khả năng diệt khuẩn và sát trùng. Một số nơi sau khi bón vôi bà con lấy nước vào ao nuôi ngay, điều này hết sức sai lầm. Bón vôi cho ao xong, cần phải phơi ao dưới nắng vài ngày, thường 5-7 ngày, để đáy ao được thông thoáng, mầm bệnh được loại trừ triệt để.


Lựa chọn tôm sú giống bằng cảm quang:

Lâu nay, tại các vùng nuôi tôm, bà con ít quan tâm đến công tác gây màu nước. Thực ra, với một ao nuôi tôm có màu nước ổn định, đúng yêu cầu, ao nuôi đó thông số môi trường rất ổn định, ít khi gặp sự cố, tôm nuôi rất mau lớn, đồng cỡ, màu sắc đẹp. Có thể sử dụng nhiều vật liệu để gây màu nước, nhưng thông dụng hiện nay là dùng DAP bón xuống ao liều lượng 300-500g/100m2, phân được hòa tan trong thau nước và tạt đều xuống ao nuôi. Khi nước ao nuôi có màu xanh noãn chuối non, hoặc tốt nhất là màu vàng vỏ đậu xanh thì có thể yên tâm thả giống. Trại tôm sú hiện nay mở ra ồ ạt, tìm kiếm cho mình nguồn giống tốt để thả nuôi là việc làm rất khó khăn. Do vậy trong công tác tuyển chọn giống, tốt nhất bà con nên tìm đến những cơ sở giống lớn, uy tín, sản xuất giống theo công nghệ mới, có hệ thống kiểm tra giống hiện đại, bảo hành sản phẩm, có trách nhiệm với khách hàng. Trước khi mua giống, cần nắm rõ độ mặn nơi nuôi, yêu cầu trại giống thuần dưỡng, hạ độ mặn cho tương ứng với ao dự kiến thả giống. Mỗi một vụ nuôi tôm đều có những khó khăn riêng, nhưng có những công đoạn nếu chúng ta tuân thủ, áp dụng triệt để qui trình theo đúng các khuyến cáo kỹ thuật, sẽ hạn chế rất lớn những rủi ro sảy ra tại ao nuôi, hạn chế đầu tư thuốc men, công sức, thời gian, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Góp phần chủ động hướng mô hình nuôi theo tiêu chí an toàn, bền vững, ổn định, hiệu quả cao.