Thông tin trên được công bố tại buổi tọa đàm “Thực hư thành phần DHA trong các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ” tại TP.HCM vào hôm nay (8.2).
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: DHA, tên gọi đầy đủ là Docosa Hexaenoic Acid, là một acid béo thuộc nhóm omega-3.
Đây là thành phần quan trọng của tế bào hệ thần kinh trung ương, giúp cho sự phát triển não và võng mạc của trẻ, đặc biệt là 2 năm đầu đời.
Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp được DHA mà phải đưa vào nguồn thực phẩm.
“Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ được cung cấp đầy đủ DHA”, bà Lâm khẳng định.
Đặc biệt, thai phụ cần ăn đa dạng thực phẩm, nhất là hải sản (cá, tôm, cua,…), trứng, các loại hạt có dầu (lạc, vừng, đậu tương…) ngay từ lúc mang thai 3 tháng cuối và sau khi sinh để đảm bảo chất lượng sữa tốt. Các thực phẩm này chứa nhiều DHA để cung cấp cho trẻ qua nguồn sữa mẹ.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), nhu cầu về DHA của trẻ sơ sinh (0 - 12 tháng tuổi) là 17mg/100kcal và trẻ từ 1 - 6 tuổi là 75mg/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều phụ huynh không hiểu biết cặn kẽ về DHA, phải cung cấp cho trẻ bao nhiêu là đủ và trong giai đoạn nào là hợp lý. Đáng lo ngại là có rất nhiều thực phẩm trên thị trường quảng cáo rầm rộ về hàm lượng DHA.
Bà Lâm khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý chọn mua các thực phẩm dinh dưỡng bổ sung DHA cho trẻ nhỏ vì nhiều sản phẩm không ghi rõ các thành phần khác cùng có trong sản phẩm (như vitamin A). Nếu cùng lúc sử dụng nhiều sản phẩm thì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Phụ huynh nên có sự tư vấn bác sĩ trước khi chọn mua sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.