Hải sản siêu rẻ
Dọc Quốc lộ 1A (đoạn chạy qua Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân; H.Bình Chánh TP.HCM hướng về miền Tây); đường Thành Thái nối dài (Q.10); đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7, Q.8)... tôm, cua bày bán la liệt. Đối tượng mua nhiều nhất là khách đi đường và công nhân làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp.
Chiều 22/10, trận mưa đột ngột trên địa bàn Q.7 không ngăn được người mua xúm xít quanh các vựa bán cua bên lề đại lộ Nguyễn Văn Linh. Giá cua dao động từ 15.000-30.000đ/con. Mức giá này chỉ bằng 50% so với giá bán tại chợ hoặc các vựa hải sản.
Riêng các loại tôm hùm bán trên đường Cộng Hòa, khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình) chỉ khoảng 125.000-400.000đ/kg. Cụ thể, tôm hùm loại nhỏ giá 120.000-125.000đ/kg; tôm hùm loại lớn giá 350.000-400.000đ/kg. Trong khi đó, giá tôm hùm cỡ vừa bán tại các vựa hải sản đã có giá hơn một triệu đồng mỗi ký.
|
Cua "ngất" được bày bán tràn lan tại vỉa hè.
|
Ghi nhận tại các điểm bán tôm, cua, ghẹ… tự phát, hầu hết hải sản đều trong tình trạng dở sống dở chết. Nhiều con cua, tôm bị gãy càng, sứt gọng… Anh N.H.N., chủ một vựa hải sản tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) khẳng định: “Cua, tôm gãy càng còn tươi nguyên bán tại vựa có giá rẻ gần 50% so với hàng còn nguyên, nhưng không rẻ bèo kiểu như các điểm bán lề đường”. Một số chủ vựa hải sản chợ Chánh Hưng, Q.8 còn cho biết, để giữ tôm tươi lâu, chủ hàng thường ngâm chất bảo quản formaldehyde (chất bảo quản - xác ướp) - một loại chất độc cấm sử dụng trong thực phẩm, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tương tự, dạng hải sản này cũng đang “hoành hành” ở khu vực phía Bắc. Khi khách hàng có nhu cầu mua hàng về làm quán ăn, một nam nhân viên rỉ tai tư vấn: “Ngoài ngao nên lấy tươi vì dễ bị khách hàng phát hiện, chị cứ lấy tôm "say" và cua “ngất” cho rẻ”. Tôm được ướp đá giữ lạnh, đổ thẳng trên nền đất bẩn. Đây là loại tôm sú mới chết trong ngày nên bề ngoài nom vẫn còn tươi và ít nhiều chưa bị bốc mùi ôi thiu.
Theo nhân viên của cửa hàng, đây là loại hàng đặc biệt bán chạy bởi giá thấp. Tôm “say” loại 40 con/kg được chia thành nhiều loại phụ thuộc vào độ tươi, có giá 100.000 - 180.000đ/kg. Cua “ngất” có giá từ 150.000 - 180.000đ/kg. Ngoài mặt hàng “ngất”, nhân viên cửa hàng còn khuyên nên lấy tôm đông lạnh để kiếm lời: “Loại này chỉ 30.000 - 40.000đ/kg, rẻ gấp 10 lần hàng tươi mới. Tôm 'say' thì làm đồ nướng, còn tôm đông lạnh thả vào lẩu. Hai loại này bên em không bao giờ sợ ế mà chỉ lo thiếu hàng”.
“Nếu muốn, chỉ cần gọi điện là chị cho nhân viên giao hàng đến tận nhà, không phải mất công đi lại”, bà chủ cửa hàng cho biết. Theo bà, cửa hàng này là địa điểm phân phối thường xuyên cho hàng chục cửa hàng trong trung tâm Hà Nội. Ngoại trừ hải sản tươi sống, nếu muốn mua tôm “say”, cua “ngất” với số lượng lớn thì phải báo sớm, bởi mặt hàng này luôn trong tình trạng khan hiếm và cháy hàng.
Lượn một vòng qua chợ Đông Tác (Kim Liên), chợ Thành Công (Ba Đình)… các mặt hàng tôm "say", cua “ngất” thu hút khá nhiều người nội trợ. Tại chợ Vồ (Hà Đông), mực ướp đá có giá 120.000đ/kg. Mặc dù mực đã có mùi ôi khó chịu, song hầu hết người mua không để ý, bởi cũng như lời giải thích của cửa hàng: “Nếu muốn hàng tươi thì 'đào' đâu ra cái giá ấy”.
Nguy cơ ngộ độc cao
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), hải sản tươi sống chứa thành phần dinh dưỡng cao, có khả năng kháng khuẩn tốt, nhưng khi chết thì khả năng này gần như bằng không. Vỏ ngoài của hải sản vốn rất nhớt vì chứa nhiều đạm, nên khi chết, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh, xâm nhập nhanh. Độc tố trong hải sản tiết ra nhanh, đồng thời men phân giải chất đạm hoạt động mạnh khiến chúng bị hỏng trong thời gian ngắn.
“Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng nhận biết sự nguy hiểm này, nhất là khi các loại hải sản đã qua sơ chế, được tẩm ướp, tẩy mùi, thêm rất nhiều gia vị để làm ngon miệng, đánh lừa cảm giác của khách hàng”, ông Thịnh nói.
Kết quả kiểm tra trong tháng 9 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho thấy, trong số những mẫu hải sản được kiểm tra, 30% bị nhiễm Salmonella (khuẩn gây thương hàn), 30% nhiễm khuẩn E.Coli. Với histamine, chỉ tiêu thường gây ra ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng đã phát hiện 31% số mẫu vượt mức cho phép, trong đó có 55% trường hợp vi phạm ở chợ bán lẻ. Khi hải sản mất đi độ tươi sống và bảo quản không đúng cách, histamine từ không độc sẽ chuyển sang độc, nhẹ thì gây ra dị ứng, ngộ độc, nặng thì có thể dẫn đến tử vong.
Biểu hiện ngộ độc là đỏ da, ngứa chủ yếu phần nửa trên của cơ thể, bao gồm đầu mặt cổ, ngực và tay. Người bị ngộ độc hải sản có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng, thậm chí tử vong.