Tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, tôm đang bị chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Nếu người dân tiếp tục thả nuôi, tôm sẽ bị chết cấp tính 100%
Theo báo cáo của các sở NNPTNT khu vực ĐBSCL, vụ tôm năm 2012 nhiều tỉnh mới bắt đầu thả nuôi đã xuất hiện tình trạng tôm chết do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết trong tháng 2.2012, toàn tỉnh mới thả giống có 1.200 ha tôm thẻ chân trắng nhưng đã bị thiệt hại đến trên 500 ha. Riêng tôm sú vụ nghịch thả vào tháng 1 và 2.2012 hơn 3.000ha cũng bị thiệt hại hơn 30%. “Nguy cơ tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh trong vụ mùa năm nay thiệt hại sẽ không thua kém gì năm 2011” – ông Khởi đánh giá.
Tại tỉnh Trà Vinh, vụ tôm năm 2012 toàn tỉnh mới thả nuôi 400 triệu con giống trên diện tích khoảng 6.000 ha tôm nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến. Mới hơn 1 tháng, tôm đã bị chết khoảng 600 ha do dịch bệnh và chưa có dấu hiệu dừng.
Điều tương tự cũng đang xảy ra ở tỉnh Cà Mau. Vụ chính năm nay, người dân thả giống vào tháng 1 và 2 vừa qua với khoảng 3.500 ha diện tích tôm thâm canh, bán thâm canh thì đến nay hơn 20% diện tích số đó đã bị dịch bệnh. Cá biệt có nhiều nơi như ở huyện Phú Tân, Đầm Dơi tôm bị chết lên đến 50% diện tích thả nuôi.
Các nhà khoa học của Viện Nuôi trồng thủy sản II, Viện Môi trường nông nghiệp và Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ NNPTNT đã lên tiếng cảnh báo rằng tôm sẽ còn chết nhiều nữa trong các tháng tới khi vào vụ nuôi chính tôm công nghiệp, bởi nguồn nước trong môi trường tự nhiên đang bị ô nhiễm bởi dư lượng các loại thuốc BVTV ở mức nghiêm trọng.
Ô nhiễm vượt mức cho phép gấp 6 lần
Theo kết quả phân tích 8 mẫu nước và 13 mẫu bùn lắng lấy từ 2 tỉnh có thiệt hại tôm chết nghiêm trọng nhất năm 2011 là Sóc Trăng và Bạc Liêu của Cục BVTV và Viện Môi trường nông nghiệp, 100% các mẫu nước này đều bị ô nhiễm dư lượng thuốc BVTV Cypermethrin vượt mức cho phép từ 3 đến hơn gấp 6 lần. Ông Trần Quốc Việt - Trưởng phòng Thí nghiệm trung tâm về môi trường (Viện Môi trường nông nghiệp) cho biết: Cypermethrin là chất cực độc đối với động vật giáp xác, chỉ cần có trên 0,005 ppb (phần tỷ) trong ao nuôi là tôm chết. Trong khi đó, kết quả phân tích 8 mẫu nước trên đều có dư lượng chất này cao từ 0,016 – 0,032 ppb, 3/13 mẫu bùn cũng bị nhiễm dư lượng Cypermethrin, trong đó có một mẫu cao tới 0,108 ppb.
“Mức ô nhiễm Cypermethrin thấp nhất 0,016 ppb là mẫu nước lấy ngay cửa sông cầu Mỹ Thanh - vùng gần biển. Càng đi sâu vào nội đồng thì dư lượng ô nhiễm càng tăng lên. Điều này giải thích vì sao bà con các vùng này bức xúc với tôi rằng họ nuôi tôm không hề dùng bất kỳ loại thuốc BVTV nào mà tôm vẫn bị bệnh gan hoại tử chết. Ấy chính là vì môi trường nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Với dư lượng Cypermethrin có trong nước cao như thế mà bà con thả tôm xuống nuôi trong vụ chính tôm công nghiệp sắp tới thì tôm sẽ bị chết liền mà trong khoa học gọi là chết cấp tính” – TS Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản II cảnh báo.
Ngoài Cypermethrin, các mẫu nước này cũng ô nhiễm dư lượng các thuốc BVTV khác như Permethrin, Chlorpyrifos và Fipronit, đều là những chất độc đối với động vật thủy sinh. Trong khi đó, nồng độ pH trong nước cần cho tôm phát triển tốt từ 7,8 – 8,2 thì 19/21 mẫu nước và bùn sau khi phân tích đều nằm dưới tiêu chuẩn này.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu trong buổi họp ngày 24.2.2012 tại TP.HCM đã kết luận rằng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước gây thiệt hại trên vụ tôm năm nay là rất lớn. Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục cho lấy mẫu kiểm tra, đánh giá lại môi trường nước ở các tỉnh ven biển ĐBSCL còn lại vì có nhiều thông tin các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre và một phần Trà Vinh cũng đã phát hiện bị nhiễm Cypermethrin. Từ đó sẽ đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn kịp thời cho người dân phòng ngừa, cải tạo lại ao nuôi để tránh bị thiệt hại xảy ra.
Theo ThS Đỗ Quang Tần Vương - Viện Nuôi trồng thủy sản II, biện pháp để xử lý dư lượng Cypermethrin trong ao nuôi tôm là cho lắng ao, tuyệt đối không cấp nước trực tiếp vào ao đang nuôi tôm. Sau đó lấy nước từ ao lắng qua ao nuôi tôm. Vì Cypermethrin sau khi lắng xuống lớp bùn dưới đáy, dư lượng còn lại trong nước giảm đi rất nhiều, đủ tiêu chuẩn để nuôi tôm.