Trong kỷ nguyên thông tin không ngừng biến động như ngày nay, cái giá phải trả khi để tuột mất những cơ hội đổi mới có thể là rất đắt.
Đổi mới được xem là chìa khóa thành công đối với những tập đoàn hàng đầu thế giới. Trong cuốn Built to Last (Xây dựng để trường tồn) Jim Collins đã chỉ ra bí quyết thành công giúp tập đoàn 3M có khả năng tồn tại lâu hơn những doanh nghiệp khác là nhờ triết lý kinh doanh chú trọng vào đổi mới từ bên trong.
Trong kỷ nguyên thông tin không ngừng biến động như ngày nay, cái giá phải trả khi để tuột mất những cơ hội đổi mới có thể là rất đắt.
Mới đây, tờ Forbes đã có cuộc trò chuyện cùng Neil Smit – CEO kiêm Giám đốc Tập đoàn truyền thông Comcast Cable Communications, Thomas J. Quinlan III – CEO kiêm Giám đốc Tập đoàn in ấn RR Donnelley, Chip McClure – Chủ tịch Hội đồng quản trị, CEO kiêm Giám đốc Tập đoàn sản xuất linh kiện xe tải Meritor, Saul Berman – cố vấn cấp cao về chiến lược tại IBM để giúp người đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về quá trình đổi mới mô hình kinh doanh tại các tập đoàn lớn.
1. Những điển hình đổi mới mô hình kinh doanh gần đây
Neil Smit, ông chủ tập đoàn Comcast Cable – nhà cung cấp dịch vụ Internet và truyền hình ứng dụng công nghệ điện toán đám mây lớn nhất hiện nay chia sẻ:
“Chúng tôi đã thay đổi cách thức truyền dẫn video thông qua điện toán đám mây để lưu trữ thông tin quảng cáo cũng như quản lý bản quyền số. Bằng cách này, giao thức cũng như nội dung xuất hiện trên màn hình ti vi đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Để đưa công nghệ này đi vào hoạt động, chúng tôi từng mất khoảng một năm rưỡi song giờ đây mọi thứ có thể được hoàn tất trong một hay hai tuần lễ. Ngoài ra, các ứng dụng mới cũng được tải lên điện toán đám mây để tạo nên sự tương tác hai chiều.
Chẳng hạn như trước khi tới nơi làm việc, tôi có thể xem thông tin về thời tiết và giao thông bằng một ứng dụng thông minh trên TV. Quá trình này cho phép chúng tôi đẩy nhanh tốc độ đổi mới nội tại cũng như cung cấp cho người sử dụng những công nghệ họ hằng mong muốn theo hướng cá nhân hóa hơn.”
Tom Quinlan, người đứng đầu tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp in ấn R.R. Donnelley cho hay:
“Chúng tôi nhìn thấy ở người sử dụng nhu cầu dùng dữ liệu để tạo và chia sẻ tin nhắn cá nhân với khách hàng của họ, tuy nhiên trên thị trường chưa có hãng nào đủ khả năng đứng ra cung cấp dịch vụ này.
Do đó, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và công nghệ thông tin của R.R. Donnelley đã cùng bắt tay để cho ra đời ProteusJet – máy in kỹ thuật số tốc độ cao có chức năng trả lời trực tiếp cũng chuyển các quảng cáo sang dạng sách một cách nhanh gọn và tiện lợi nhất.”
Chip McClure, CEO Tập đoàn Meritor cho biết:
“Năm năm về trước, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi từ một doanh nghiệp sản xuất đa dạng các sản phẩm và dịch vụ dành cho ô tô sang tập trung vào lĩnh vực linh kiện xe tải. Quyết định này đã khiến chúng tôi phải bán đi 2/3 tập đoàn.
Trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi đã có những bước tiến phù hợp để thích nghi với cuộc đại khủng hoảng. Tới ngày hôm nay, Meritor đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ đề ra nhờ công sức của toàn thể đội ngũ nhân viên.”
2. Đưa đổi mới vào văn hóa tập đoàn
Chip McClure nói thêm:
“Để làm được điều này, cần phải bắt đầu từ văn hóa giao tiếp. Về phần mình, tôi thường xuyên đi thăm các phân xưởng và trung tâm kỹ thuật cũng như đưa ra những lời khuyên về tầm quan trọng của sự đa dạng hóa bởi đó là điều sống còn để củng cố quá trình đổi mới. Việc trao đổi các vấn đề về chiến lược giúp mọi người nắm rõ tình hình cũng rất cần thiết.”
Tom Quinlan cho biết:
“R. R. Donnelley có tới 58.000 nhân viên tại gần 40 quốc gia trải dài trên 14 múi giờ khác nhau, do đó, việc nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình đổi mới là điều cần thiết.
Mới đây, chúng tôi đã khai trương trung tâm nghiên cứu và phát triển mới, nơi quy tụ các nhà khoa học và chuyên gia đổi mới. Việc làm này gửi đến toàn thể nhân viên một thông điệp rằng những ý tưởng mới lạ đều được đánh giá cao và chúng tôi muốn đẩy nhanh quá trình lợi nhuận hóa những sáng kiến đó.
Chúng tôi cũng đã thành lập trung tâm chuyên cung cấp các giải pháp dành cho khách hàng nơi ứng dụng công nghệ cũng như những phát kiến mới.”
Saul Berman, cố vấn cấp cao về chiến lược tại IBM cho hay:
“Để quá trình đổi mới thâm nhập sâu rộng vào tập đoàn, chúng tôi mời gọi tất cả các nhân viên cũng như gia đình của họ, các đối tác kinh doanh và nhà cung cấp cùng tham dự những cuộc đối thoại về những nỗ lực đổi mới của IBM.”
Neil Smit nói thêm về trường hợp của Comcast Cable:
“Ralph Roberts – người sáng lập Comcast Cable dù đã bước sang tuổi 92 vẫn đến văn phòng làm việc đều đặn. Sau khi Comcast hoàn tất vụ mua lại kênh truyền hình NBC, ông hào hứng nói “Được rồi, vậy chúng ta sẽ làm gì tiếp theo đây?”
Chúng tôi luôn khát khao chiến thắng, muốn tiến nhanh hơn nữa và muốn tạo ra tinh thần làm việc tập thể đích thực, do đó, năm ngoái nhiều dịch vụ mới được tung ra thị trường hơn hai năm trước gộp lại. Tại Comcast, tinh thần kinh doanh và thử nghiệm những điều mới mẻ đã tạo nên một nét văn hóa và một môi trường làm việc tuyệt vời.”
3. Vai trò của điện toán đám mây đối với quá trình đổi mới mô hình kinh doanh?
Saul Berman cho biết:
“Có nhiều nhân tố đưa điện toán đám mây trở thành một phần quan trọng của quá trình đổi mới.
Trước tiên, đó là tính linh động của chi phí, tiếp đến khả năng mở rộng quy mô và khả năng thích ứng với thị trường nhờ việc thử nghiệm mà không cần đầu tư quá nhiều vốn vào công trình hạ tầng.
Điện toán đám mây cũng tạo ra tính đa dạng cho phép tích hợp nội dung, phần cứng và phần mềm cũng như kết nối với nhiều người dùng hơn nữa.”
Tom Quinnlan cho hay:
“Điện toán đám mây cho chúng ta nhìn lại hệ thống công nghệ thông tin hiện có theo những cách mới mẻ. Công nghệ khai thác dữ liệu có thể nói là thay đổi lớn nhất trong những năm trở lại đây. Dữ liệu lớn cũng được tạo ra từ việc theo dõi hoạt động của người dùng và sẽ tạo ra nhu cầu đối với các phương thức liên lạc phù hợp hơn thông qua nhiều kênh khác nhau.
Chẳng hạn các công ty dịch vụ tài chính đều muốn tăng doanh thu song 70% trong số đó lại giao dịch qua các tài khoản, như vậy bản thân các công ty này đã tự hạn chế các mối quan hệ họ có ngay khi khách hàng mở tài khoản cá nhân.
Có thể nói đây là thời điểm mang tính quyết định để phát triển các trang web cũng như hình thức liên lạc bằng điện thoại di động mang tính cá nhân cao.”
Neil Smit cho rằng:
“Comcast Cable hiện đang cung cấp ngày càng nhiều hơn các dịch vụ mang tính cá nhân. Chúng tôi từng xem các khách hàng cũng giống như những hộ gia đình, tuy nhiên cách nghĩ này đã thay đổi.
Bạn có thể tưởng tượng trong một gia đình bốn người, mỗi cá nhân sẽ có một sở thích khác nhau đối với các chương trình TV, và để có thể thỏa mãn mọi nhu cầu, chúng tôi phải nhờ đến điện toán đám mây.
Comcast Cable cũng đang phát triển một loại hình dịch vụ mới mà chúng tôi gọi là TV ở khắp mọi nơi, dù ở nơi đâu bạn cũng có thể dễ dàng theo dõi các chương trình yêu thích trên điện thoại hay iPad. Chúng tôi cũng vừa cho ra mắt một sản phẩm an ninh mà khi cửa trước mở, camera sẽ hoạt động và gửi cảnh báo và hình ảnh tới chiếc iPhone của bạn.”
Chip McClure nói thêm:
“Năm ngoái, Meritor đã giới thiệu một ứng dụng trên iPad có tên Meritor Mobile.
Ứng dụng này đã giúp ích rất nhiều cho bộ phận kinh doanh cũng như khách hàng của Meritor. Thay vì đến gặp khách hàng với một số lượng lớn tài liệu kĩ thuật, nay tất cả các thông tin trên có thể được quản lý và cập nhật thông qua ứng dụng trên iPad.
Một phiên bản khác của Meritor Mobile cũng được chúng tôi cung cấp giúp khách hàng tiếp cận với các tài liệu cá nhân.
Meritor đang sử dụng các phần mềm ứng dụng SaaS, ví dụ như Concur để thống kê chi tiêu và du lịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đánh giá một số các phần mềm thay thế hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây.”
4. Vai trò của CEO trong bối cảnh đổi mới mô hình kinh doanh?
Tom Quinlan cho biết:
“Tôi cho rằng CEO phải là người biết lắng nghe và sẵn sàng tiếp thu những ý tưởng mới mẻ, dù chúng có thể mâu thuẫn với ý kiến cá nhân của bạn. Khi mà tốc độ đổi mới ngày được đẩy mạnh, CEO cần nhận ra sự cấp thiết phải nhận diện, phát triển cũng như lợi nhuận hóa những ý tưởng mới.
CEO sẽ là người đặt ra thử thách để nhân viên làm việc sáng tạo hơn, là người lắng nghe nhu cầu của khách hàng cũng như tạo ra một môi trường nơi những người làm việc trong tập đoàn có thể giải quyết những vấn đề mà khách hàng gặp phải.”
Với Neil Smit, ông nói:
“Tôi quan niệm vai trò của một CEO là phải đẩy nhanh tốc độ đổi mới và đảm bảo rằng những chiến lược đặt ra đủ tầm bao quát để thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Bản thân tôi cho rằng việc giữ liên lạc với khách hàng cũng như theo đuổi những xu hướng cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng, nhờ đó tôi có thể vạch ra những chiến lược mới và động viên mọi người vượt qua thử thách.
Tại Comcast Cable, chúng tôi đang chia thành những nhóm nhỏ để hoạt động và tái cơ cấu bộ phận kỹ thuật. Việc định hướng tập đoàn phát triển theo đúng hướng đề ra là điều cần thiết, nhờ đó mọi người sẽ cùng theo đuổi một mục tiêu chung vì tập thể.”
Chip McClure nói thêm:
“Với cương vị là một CEO, tôi cùng ban lãnh đạo và các cố vấn đề ra tầm nhìn và phương hướng hoạt động, cung cấp nguồn lực cần thiết cũng như giữ mối liên lạc thường xuyên với nhân viên và khách hàng. Cũng có những khi tôi nhường đường để mọi người tự hoàn thành công việc.
Tóm lại, trách nhiệm của một CEO là tạo ra văn hóa tập đoàn mà tại đó, sự đa dạng của ý tưởng thúc đẩy quá trình đổi mới và nhân viên hài lòng khi được là một phần của tập thể và nguyện đóng góp cho sự thành công của tập đoàn.”