Tôm khô củ kiệu rẻ mà "bắt mồi"

Sưu tầm 15-04-2012

Về tính tiện lợi và "bắt mồi" của món tôm khô củ kiệu thì không còn phải bàn cãi; ở đây chúng ta thử phân tích về tính khoa học của món ăn dân dã, độc đáo này.

Một đĩa tôm khô củ kiệu đầy đủ gồm các thành phần: tôm khô, củ kiệu, đậu phộng rang, tương ớt và có thể dùng kèm thêm trứng bách thảo, xôi...

Khi sấy hay phơi khô phần nước sẽ bay hơi nên các thành phần còn lại tăng lên gấp hơn ba lần, lượng đạm trong tôm khô sẽ chiếm gần 70%, nghĩa là cứ 100gam tôm khô có gần 70gam đạm.

Điều rất quí của con tôm khô là vừa có hàm lượng đạm rất cao (có thể nói là cao nhất trong các loại thực phẩm) vừa có tỉ lệ thải bỏ chất đạm này rất thấp, chỉ 5-10%. Người ta đã tính được ở người lớn mỗi kilô thân thể hằng ngày đúng nhu cầu sẽ cần 1gam chất đạm, 4gam chất béo và 10gam chất đường chung; như vậy một người nặng 80kg chỉ cần ăn gần 1 lạng tôm là đã thừa nhu cầu chất đạm! Các thành phần khác của đĩa tôm khô củ kiệu như củ kiệu, đậu phộng rang cũng là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho cơ thể con người.

Dù chúng ta tự chế biến ở nhà hay ra nhâm nhi ở quán thì giá thành của đĩa tôm khô củ kiệu theo tôi là vô cùng kinh tế, tùy theo đĩa to hay đĩa nhỏ trung bình 30.000-50.000 đồng là hết mức.

Giáo sư Trần Văn Khê, một chuyên gia âm nhạc, khi luận bàn về ẩm thực ông đã cho rằng một món ăn ngon không chỉ đơn thuần là vị giác tốt ở chót lưỡi đầu môi, mà còn cần có ảnh hưởng thị giác tốt nhờ màu sắc hấp dẫn, hiệu ứng thính giác tốt qua âm thanh vui tai. Tôi rất đồng ý với giáo sư về nhận xét này vì rõ ràng khi vừa dùng đĩa thức ăn nhiều màu đẹp: màu vàng của thịt, màu hồng của tôm, màu xanh của rau, màu đỏ của ớt, của cà chua... lại vừa được nghe tiếng lách tách của bánh tôm, bánh tráng... chắc chắn chúng ta sẽ rất thoải mái, ngon miệng.

Ở đây, tôi chỉ xin mạn phép góp ý thêm là món tôm khô củ kiệu vừa đạt đủ tiêu chuẩn ngon của giáo sư Trần Văn Khê, nhưng chắc chắn là ngon hơn vì có thêm yếu tố "kinh tế", theo nguyên nghĩa tiết kiệm, của nó.